Âm thanh nhà thờ, những định kiến

Sau khi biên dịch và đăng tải toàn bộ cuốn Hệ thống âm thanh nhà thờ của tác giả Joseph De Buglio lên website, tôi đã có dịp tham quan và nghiên cứu về kỹ thuật âm thanh cho một số nhà thờ ở SG và vài tỉnh lân cận.

Có lẽ bạn đã biết, hầu hết nhà thờ ở VN đều có cấu trúc xây dựng gần giống nhau. Tất cả đều hình chữ nhật, ít hay không có cột chống, có trần rất cao >8m, kích cỡ trung bình, có thể chứa từ 500 – 1000 người. Cho dù hầu hết đều không quan tâm đến phần tính âm (acoustic) khi xây dựng, nhưng nhờ có rất nhiều cửa lớn đều mở rộng khi có người, nên khả năng dội âm nằm trong phạm vi chấp nhận được (tôi đã đo RT60 khi phòng trống, thường <2 giây). Đây là những điều kiện gần đạt lý tưởng để thiết kế hệ thống âm thanh có cụm loa đơn (single cluster speaker). Tất cả chuyên gia về âm thanh đều công nhận loại hệ thống này rất tuyệt vời khi khuếch đại tiếng nói. Dưới đây là trích đoạn chương 11 cuốn Giáo trình âm thanh của Scott Hunter Stark nói về hệ thống này. Muốn hiểu rõ hơn, bạn hãy đọc thêm sách của J D Buglio đã giới thiệu bên trên.

(Khi cần mức độ rõ cao, cụm loa đơn có khuynh hướng hấp dẫn nhất nếu đánh giá về cách phát âm một mình rõ ràng. Nó cung cấp những âm thanh rõ nhất cho hầu hết khán giả. Dĩ nhiên, phải có hoàn cảnh cho phép thực hiện hiệu quả sự sắp xếp như vậy. Nói chung, thực chất chuyện này là để có cơ hội xử dụng hệ thống tương đối lâu dài, hay ít nhất là cơ hội để dựng lên giàn giáo tử hình (scaffold) cho vài loại khác. Đồng thời, cấu trúc vật lý của phòng phải cho phép có vị trí loa phù hợp; có thể loại bỏ sự sắp xếp như vậy ngay lập tức nếu có trần nhà thấp hay những hạn chế vật lý khác. 

Thiết lập hướng tỏa ra âm thanh thật rõ phải khôn khéo, nhưng vẫn phải có những xem xét quan trọng. Khi sự truyền đạt hiệu quả là mục tiêu chính trong pro sound, sẽ có cảm giác hiện thực rằng âm thanh đến từ hướng gần đúng chỗ diễn giả, có thể làm bài diễn giảng của người trình bày rõ hơn rất nhiều. Xử dụng một cụm loa đơn đặt trên đầu bục giảng nhà thờ, bục diễn thuyết có thể vay mượn mạnh mẽ hiệu ứng này. Trong cài đặt cố định, có thể treo nó lên (suspend) an toàn, hay nếu không thì nâng cụm loa ở độ cao đủ quan trọng để giảm thiểu vấn đề tiềm năng bị feedback. Từ hướng nghe được tương đối ít nhạy trong mặt phẳng dọc (chương 3), sự khác biệt theo chiều dọc tương đối rất nhỏ. Kết quả, khi kết hợp với hình ảnh thị giác của diễn giả, ảo tưởng thường nhìn nhận, âm thanh nghe thấy phát ra từ diễn giả, hơn từ vị trí thật tế của cụm loa này. Nhưng, cụm loa như vậy phải có khả năng đem âm thanh tới cho phần lớn khán giả, hay nó sẽ tự gây trắc trở để phải lo lắng về hướng phát rõ của âm thanh ban đầu, từ quan điểm của khán giả. Nếu túi tiền cho phép, cũng có thể triển khai một hệ thống phân phối delay theo cách sao cho bảo tồn được hình ảnh âm thanh bắt nguồn từ vị trí của diễn giả. 

Có lẽ, lý lẽ biện minh quan trọng nhất cho việc dùng cụm (cluster) loa đơn có liên quan tới sự triệt tiêu giao thoa (những hiệu ứng lọc lược đã đề cập nhiều lần trong suốt giáo trình này) gây ra bởi hai hay nhiều mô hình sóng tương tác với nhau. Có khuynh hướng không xảy ra điều này với bất kỳ mức độ lớn nào khi dùng cụm loa đơn đã thiết kế tốt, và từ quan điểm âm học, cụm loa đơn chắc chắn là lựa chọn để tăng cường cho tiếng nói, được mọi người ưa thích nhất. Dĩ nhiên, một cụm đơn có thể không bao phủ số lượng lớn khán giả thật hiệu quả, và hệ thống delay nằm ngoài giới hạn tiền bạc, khi phải xử dụng hai hay nhiều vị trí loa, và lược lọc (comp-filtering) chỉ chấp nhận đơn giản như là một sự thỏa hiệp phù hợp. Trong thật tế, thỏa hiệp này không phải luôn bức thiết, ngoại trừ ở những tần số thấp)…

Như vậy đã rõ, về mặt kỹ thuật, hệ thống này đã đáp ứng toàn bộ yêu cầu âm thanh cho nhà thờ ở VN. Về kinh tế, đây là hệ thống có kinh phí thấp nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Việc lắp đặt đơn giản, chỉ đi dây loa tới một vị trí, thay vì hàng chục vị trí nếu xử dụng hệ thống rải loa phổ biến. Bạn chỉ cần xử dụng một cặp loa full-range 40cm (15”), thậm chí, nếu dưới 500 chỗ ngồi thì một cái thôi cũng đủ bao quát. Nếu nhà thờ khá dài, cần thêm cụm far-field, hiện nay giá thiết bị AT delay khá rẻ, bạn không cần lo nghĩ về vấn đề này.

Nhưng, khi tôi đưa hệ thống này vào thiết kế AT cho nhà thờ thì gặp phải thái độ thờ ơ hay lắc đầu dứt khoát của ban quản trị nhà thờ, buộc lòng tôi phải thiết kế lại theo kiểu cũ. Thắc mắc, tôi đã đặt vấn đề này với vài người bạn cùng nghề và nhận được câu trả lời thật bất ngờ: Hệ thống này thường xử dụng cho nhà thờ Tin Lành nên nhà thờ Thiên Chúa không được dùng, và cũng không ai biết quy định này xuất phát từ đâu. Có người còn nói lý do khác, không được đặt bất cứ vật gì cao hơn tượng thờ. Thật kỳ lạ, thiết bị âm thanh điện tử là vật vô tri vô giác, sao lại gán tính cách phân biệt cho nó như vậy.

Là người ngoại đạo, với suy nghĩ thật khách quan, theo tôi, lúc đầu có lẽ có vài người nào đó, vì không muốn làm hệ thống cụm đơn hay muốn bán hệ thống khác có giá thật cao nên đồn đại ra vậy. Rồi sau đó, theo hiệu ứng dây chuyền, nhà thờ này nhìn nhà thờ khác và tất cả đều theo lối mòn. Tôi không nói hệ thống rải loa là dở, còn nói hay nữa là đằng khác, nhưng nó đòi hỏi phải bỏ công sức thiết kế kỹ thuật rất tinh vi, phải tính toán cả vấn đề tính âm (acoustic) của nhà thờ thật kỹ, điều này ở VN ta thường thiếu hay không có. Và khi lắp ráp, cài đặt thì thường làm qua loa, chỉ mong sao xong sớm để được thanh toán. Vì vậy, việc nhà thờ chi ra kinh phí khá lớn cho nhiều thiết bị loa thành ra vô nghĩa, đáng lẽ để dành vào những thiết bị khác hợp lý thiết thực hơn.

Tôi đã thu thập thông tin và được biết, rất nhiều nhà thờ của cộng đồng người Việt ở ngoại quốc đều xử dụng hệ thống cụm loa đơn này. Họ còn có cách giấu hệ thống loa sao cho không ai có thể biết nó đặt ở đâu, cho ảo tưởng âm thanh phát ra từ người đang nói. Tóm lại, có thể nói, những định kiến trên chỉ có ở VN. Phàm cái gì do con người đặt ra thì con người cũng có thể xóa bỏ. Là người kỹ thuật thuần túy, tôi chỉ biết trình bày đôi lời như thế thôi, việc còn lại là của các bạn …

Nguồn: soundlightingvn.vn



Tin tức liên quan:

0 Bình luận

Để lại bình luận